Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra đề xuất năm 2020 vẫn tổ chức kỳ thi, nhưng với mục đích chính là để công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12, đã có nhiều tranh luận quanh đề xuất này.
Tại cuộc họp ngày 21.4, Bộ GDĐT báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo đề xuất của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát và học sinh có thể đi học trước ngày 15.6, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức vào đầu tháng 8.
Tuy nhiên, để đảm bảo khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của luật, kỳ thi sắp tới sẽ chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước.
Địa phương được giao trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ GDĐT tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.
Đối với mục tiêu tuyển sinh đại học, năm nay các trường đại học sẽ thực hiện việc tự chủ tuyển sinh.
Học sinh lo nhiều trường đại học tổ chức thi riêng
Trước phương án thi mà Bộ GDĐT đưa ra, Nguyễn Phương Anh (học sinh lớp 12, Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết em đồng tình với việc vẫn nên tổ chức kỳ thi thay vì phương án bỏ thi để xét tốt nghiệp như một số đề xuất trước đó.
Kỳ thi năm nay có mục đích chính để công nhận tốt nghiệp và Phương Anh cho rằng điều này vừa có lợi, vừa là bất lợi cho học sinh trong điều kiện việc học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo học sinh này, nếu kỳ thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, thì đề thi sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực, căng thẳng. Điều này là có lợi. Tuy nhiên sẽ bất lợi nếu các trường đại học thấy đề thi không đủ độ phân hóa để có thể xét tuyển đại học và có xu hướng tổ chức kỳ thi riêng.
“Giờ chúng em chỉ biết chờ đợi sẽ không nhiều trường tổ chức thi riêng trong năm nay, vì không còn nhiều thời gian để chúng em ôn tập và chuẩn bị nữa. Có lợi nhất cho học sinh lớp 12 lúc này là ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 rồi sang năm thay đổi như thế nào cũng được”- Phương Anh cho biết.
Cân nhắc phương án đảm bảo quyền lợi cho học sinh
“Bất ngờ” là cảm xúc của thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) trước phương án dự kiến năm nay tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp THPT.
“Đây là phương án làm xã hội việt vị. Vì thời gian qua chúng ta tranh luận 2 phương án. Một là vẫn giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm, với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để trường đại học tuyển sinh. Hai là phương án bỏ thi, chỉ thực hiện xét tốt nghiệp. Nhưng Bộ GDĐT vừa đưa ra phương án không nằm trong số những phương án trên”- thầy Tùng cho biết.
Về quan điểm cá nhân, giáo viên này ủng hộ phương án 1 để đảm bảo quyền lợi học sinh. Lý do là kỳ thi năm nay như dự kiến vẫn được tổ chức gần giống với năm trước, vẫn là 3 môn bắt buộc, 1 môn tổ hợp, tổ chức tại các địa phương như mọi năm. Khác là năm 2019 có sự tham gia của các trường đại học ở khâu trông thi, chấm thi còn năm nay thì không.
“So với kỳ thi năm trước, kỳ thi năm nay diễn ra gần tương tự, nhưng rất tiếc chỉ đạt được 1 mục đích, mà mục đích này không phải là quan trọng, vì mọi năm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, có nơi lên đến 98-99%. Sau khi thi tốt nghiệp xong, học sinh sẽ tham gia tuyển sinh của các trường đại học. Và sẽ có nhiều trường hợp xảy ra, trường xét tuyển bằng học bạ, có trường lấy điểm thi THPT, trường tổ chức thi riêng, sẽ thành trăm hoa đua nở khiến học sinh trở tay không kịp.
Nên phương án đảm bảo quyền lợi nhất cho học sinh lúc này là ổn định như năm 2019, cả về mục đích của kỳ thi. Mọi thay đổi đều cần có thời gian để học sinh chuẩn bị tâm lý, thích nghi. Chúng ta nói tổ chức thi với mục đích chính xét tốt nghiệp THPT để giảm áp lực, đỡ tốn kém, nhưng theo tôi chưa phù hợp với điều kiện năm nay, vì quá gấp gáp cho cả học sinh, trường đại học. Trong khi năm học này rất đặc biệt, rất khó khăn, học sinh đã chịu nhiều thiệt thòi rồi”- thầy Trần Mạnh Tùng kiến nghị.